Hỏi thằng bé tình hình trường lớp đầu năm học mới, nó nhăn mặt lầu bầu “Cơm bán trú nấu ăn tệ lắm, nhiều bạn bỏ dở cơm”. Hỏi nó thế mài có ăn hết suất không thì nó gật đầu “Con ăn hết”. Vậy thì được rồi, chấp nhận đi, nhà trường chứ có phải khu nghỉ dưỡng đếch đâu he he
Năm nào cũng vậy, xã hội luôn sôi sục với những vụ sách vở, đồng phục, đóng góp…rồi là đến chuyện “tẩn học sinh”, nó cứ như nghiệp chướng của ngành giáo dục vậy he he. Gần đây nhất là vụ cô giáo ở Hà Giang bị đình chỉ giảng dạy vì chót bạt tai và đánh tay mấy cháu học sinh lớp 4 vì tội liên tục mất trật tự trong giờ. Như thường lệ, me xừ Long luôn đứng về phía những người yếu thế, đó là các…nhà giáo he he
Nhiều người lớn nói “Nó chỉ mất trật tự thôi mà, có gì nghiêm trọng đâu, nhắc nhở nó là được rồi, sao phải dùng biện pháp mạnh!”. Hỡi ôi, với me xừ Long thì lỗi gây mất trật tự có tính hệ thống nhẽ phải được xếp mức độ nghiêm trọng ngang với…chửi giáo viên. Hãy tưởng tượng xem, trong lúc mạch cảm xúc đang tuôn trào để truyền đạt kiến thức đến những tinh hoa tương lai của đất nước, thì phải dừng lại “Trò A. không được mất trật tự!”. Kiến thức đang tiếp tục đến với những kỹ sư, bác sỹ tương lai thì lại phải dừng “Trò A., nhắc lại lần nữa là không được mất trật tự!”…Đang say mê với những áng văn thơ kiệt tác thì lại vẫn thấy cái đứa đó đang líu lo đùa nghịch, lúc đấy mà còn giữ được bình tĩnh hay say sưa với bài giảng được thì… tôi làm con các anh chị he he.
Những đứa trẻ đó không những tước quyền được giáo dục của chúng nó, bỏn còn tước quyền được học hành của các bạn trong lớp và cản trở quyền hành nghề của thầy cô. Hồi còn đứng trên bục giảng, gặp đối tượng này là me xừ Long phải phi phấn, phóng giẻ lau, thậm chí ném moẹ giáo án vào chúng nó. Hỡi ôi, chúng nó né được cả…khiến tôi cuối cùng phải quyết định bỏ nghề vì không đủ kiên nhẫn tập “phi tiêu” cho chuẩn hơn he he
Ngành giáo dục, đáng nhẽ cần đứng lên bảo vệ người của mình, đằng này lại đình chỉ công việc của thày cô! Chỉ vì mấy đứa học trò mất nết mà tước đi quyền được giảng dậy của một giáo viên nhiều kinh nghiệm (không thì sao được làm GVCN)và quyền được học của bao học sinh khác. Mà ngay đến GVCN bỏn còn không sợ thì GV bộ môn chúng nó coi ra cái gì. Nếu cứ thế này, sẽ có ngày giáo viên cứ lên lớp giảng cho xong giáo án rồi về, kệ moẹ chúng mày tiếp thu được gì thì tiếp thu, cố giáo dục khéo còn mất việc. Thay vì giáo viên, chúng ta sẽ chỉ còn toàn những… “công nhân đọc giáo án” mà thôi!
Có lẽ chỉ duy nhất ở Việt Nam mới có cảnh trước các cổng trường tiểu học và THCS có thêm CSTT đứng làm nhiệm vụ…nhắc nhở phụ huynh dừng đậu xe có ý thức. Ngơi nhắc một cái là toàn bộ cổng trường và lòng đường sẽ bị bít kín ngay vì ai cũng muốn đứng gần nhất để con/cháu mình dễ tìm và đỡ phải đi xa, dù chính những phụ huynh bon chen đó cũng không biết sẽ chui ra bằng đường nào. Người lớn còn thế thì thử hỏi trẻ con làm sao có ý thức kỷ luật?
Bởi thế các nhà giáo ạ. Nếu đầu năm học có phụ huynh nào đến gặp, nắm tay trìu mến thủ thỉ “Nhờ thầy/cô quan tâm dạy dỗ cháu! Cháu nó ở nhà ngoan lắm. Nếu nó hư chỉ cần nhắc nhẹ là nó sợ rồi!”, thì các thầy cô hãy khảng khái mà rằng “Ngoan thì đem moẹ nhau về nhà mà tự dậy!” He he